Caddie và những góc khuất chưa ai thấu
Ngoài bề mặt bóng bẩy của bộ môn golf, ngoài sự hào nhoáng thường thấy của các caddie trên sân cỏ, còn những góc khuất mà nhiều người chưa biết đến. Tuy nhiên những bài chia sẻ thông qua cuộc thi ảnh: Cadiie trong tôi do tập đoàn Golfgroup- Golf Quốc gia tổ chức đã hé lộ phần nào.
1-Bạn cảm nhận gì về nghề caddy?
Trong golf, một caddie (hoặc caddy) là người mang túi và gậy của người chơi, và đưa ra lời khuyên sâu sắc và hỗ trợ về cả chiến thuật, gần giống như một huấn luyện viên.
Caddie chịu trách nhiệm mang túi của người chơi và đi trước người chơi gôn để xác định vị trí bóng của anh ta và tính toán khoảng sân đến chốt và/ hoặc các mối nguy hiểm để hỗ trợ cho người chơi.
Caddy liên tục đi bộ, để phát hiện ra những cú phát bóng của người chơi, phát hiện ra những cú đánh tiếp theo của golfer. Caddy còn cần đọc các green, làm sạch các quả bóng golf, sửa các dấu bóng, đọc green, đánh dấu bóng trên green…
Qua những gì mô tả, có thể thấy caddy ở đó để làm cho vòng của người chơi trở nên chuyên nghiệp hơn, hỗ trợ tốt nhất. Họ là những người được đào tạo, có kiến thức, có năng lực. Nhưng bao nhiêu “ông chủ” gọi họ với tư cách “huấn luyện viên”? Bao nhiêu ông chủ còn đang coi Caddy như “Osin cấp cao”, “đầy tớ sân golf”?
2-Những câu chuyện Cadiie trên sân golf
Chúng tôi biết đến những câu chuyện cơ cực ấy một phần là do cuộc thi ảnh “Caddie trong tôi”, do GolfGroup chính thức tổ chức kết thúc vào ngày 20/09/2019 vừa qua.
Trong những bức hình họ gửi về tham dự thi, đằng sau những hình ảnh đẹp nhất, còn có những câu chuyện chia sẻ, những lời tâm sự, những điều khó nói hay những góc nhìn về “ngành”.
Tuy nhiên họ như những thảm cỏ trong sân golf vậy, luôn xanh tươi tốt, luôn lạc quan, yêu nghề và gắn bó. Nên bên cạnh các câu chuyện trải lòng còn là tâm huyết, là sự thú vị với nghề.
Tất cả đã được chúng tôi đã tổng hợp được bằng những chia sẻ dưới đây:
*Nguyễn Thị Trang – Những ngày đầu của đồng phục mới của giải “bamboo airways 18/08 golf tournament 2019” kỉ niệm 1 năm bay của hãng máy bay bamboo airways. 116
“Nghề caddie giống như làm dâu trăm họ vậy. Có lúc thì vui có lúc thì buồn mệt mỏi. Thật thú vị có những vị khách vui tính tốt bụng nhưng cũng đáng buồn khi gặp các vị khách khó tính. Tớ cũng thấy vui khi tớ được đi tất cả các sân golf của FLC. Mỗi sân đều có nét đẹp riêng rất đặc sắc. Gia đình FLC là ngồi nhà thứ 2 của tớ đấy..!!”
* Phùng thị lan hương _sân gôn Phoenix Hòa Bình.
“Câu chuyện: Golf là môn thể thao
Thú vị nhất mà tôi được biết. Trong mọi cuộc chơi đôi với người việt dù cá độ to hay nhỏ thì người già hay trẻ đều mang 1 mục đích háo thắng, bao nhiêu tính cách họ đều đem ra phô hết. Còn người nước ngoài họ lại không quan trọng hóa vấn đề cá độ bởi vì họ xem cá độ là thú vui hơn là công cuộc kiếm tiền. Được làm trong môi trường giao tiếp với rất nhiều người tôi cảm thấy rất vui và yêu nghề hơn. Bởi vì tôi học hỏi được rất nhiều điều về cuộc sống về văn hóa của mỗi đất nước mà tôi được giao tiếp với họ…”
* Lê Thành Chung – Sân Golf Thủ Đức về đêm – Câu chuyện một buổi tối tăng ca
“Có bao giờ bạn tìm thấy chút bình yên trong cuộc sốn .Hôm ấy là một ngày bận rộn và mình phải đi round 2 mang theo bao mệt nhọc khi phải tăng ca ấy nhưng hôm đó mình lại gặp một vị khách dễ thương chú ấy chỉ chơi 1 mình ra gặp mình chú ấy có hỏi mình tăng ca à mệt không câu hỏi nhỏ nhưng đầy ấm áp rồi bắt đầu vòng golf chú ấy kể chuyện mình có hỏi sao chú đi chơi buổi tối 1 mình chú ấy có bảo làm việc cả ngày mê golf nhớ caddy nên ra sân tìm một chút bình yên . Hôm đấy là ngày tăng ca khoẻ nhất của mình hihi em chém gió như thế có được không”
* Nguyễn Thị Duyên – Cuộc sống Caddie
“Cady nhọc nhằn, gian truân, nhiều nụ cười nhưng cũng đầy nước mắt của những người làm phục vụ tại những nơi giải trí sang trọng và thời thượng. Đường vào sân golf chở nặng nhiều ước mơ của những cô gái quê, cả những mong đợi của người thân của “cô ấy” về một cuộc sống sẽ đổi khác trong nay mai. Nhưng để lấy được đồng tiền của khách, ‘cô ấy” phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, có khi còn phải đổ máu trên sân golf…Cadlie “niềm tự hào của tôi “
Cảm ơn GolfGroup đã tổ chức một cuộc thi vô cùng ý nghĩa dành cho toàn thể anh chị em caddie trên toàn quốc. “Chưa từng nghĩ lớn lên mình sẽ được gặp người có tiền chứ nói gì là người có quyền.
Sinh ra và lớn lên giữa vùng quê nghèo, nắng gió đã sớm nhuộm lên đôi vai gầy của đứa bé nhà ở cuối thôn, rồi lớn lên, nhờ cái cao ráo cộng với giao diện dễ nhìn, nó ra Hà Nội, đi làm bưng bê cho một quán ăn ở ngay trung tâm thành phố.
Cú hick cuộc đời đến thật bất ngờ, đến nỗi chúng ta chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng đó là điều tốt, là sự may mắn, con bé nghĩ vậy. Hôm đó, có đoàn khách VIP – là cái tên mà đội oder thường dùng để gọi tắt cho khách thân quen hoặc khách có tầm tên tuổi. Thật ra lúc khách dùng bữa, bưng bê như con bé chỉ biết lên món và đáp ứng yêu cầu của khách lúc gọi thêm đồ, chứ chuyện trên mâm thì không nghe, không biết, không hiểu gì hết.
Câu chuyện câu trò thế nào mà lúc đưa canh chua vào thì có bác gọi lại rồi hỏi: Mai có làm sáng không? Bác mai opening cái Sân golf, mà 1 con bé PR vừa xin nghỉ, chẳng tìm ra ai backup, mà team này cần form người, form face giống giống nhau, con giúp bác được không? Lương bằng mấy ngày con đi làm đấy.
Con bé lo chứ, mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội mà, bác này dù là ăn thân quen rồi nhưng vẫn sợ.Lò dò hỏi chủ nhà hàng thì càng thôi thúc nó gặp bác kia và nhận lời.
Cái gật đầu ấy đã đưa cô gái đen nhẻm xóm nghèo biết đến golf, đến nghề caddy. Sau hơn 2 năm với nghề, golf như ngấm vào máu, vào niềm đam mê của đôi vai gầy ấy.
Bé gái đen nhẻm ngày ấy giờ vẫn không khác nhau nhiều, có khác chắc là đen hơn vì dầm nắng giữa trưa nhiều nhưng tình yêu với golf thì chỉ có tăng dần lên mà thôi.
Cám ơn những gì mà cuộc đời ban tặng, những người mà cô gái nhỏ đã gặp trong cuộc đời.”
*Trần Thị Ky Na – Chủ đề : Kỉ niệm của tôi qua màn ảnh nhỏ
“Giải Lexus Challenge 2019 vừa kết thúc. Chiếc cúp vô địch đã thuộc về Trần Lê Duy Nhất sau 4 ngày thi đấu được diễn ra trên sân Laguna lăng cô.
Sân gôn laguna lăng cô là nơi tôi làm việc. Tôi Caddy Trần Thị Ky Na. Số 30. Tôi đã tạm ngưng công việc cách đây 4 tháng vì lý do cá nhân. Trước ngày giải diễn ra chị em của tôi vẫn hay trêu tôi như thế lại sướng vì không phải đi bộ 4 ngày giải ròng rã. Nhưng ngày giải diễn ra ai phải ở nhà như tôi mới là một sự đáng tiếc. Vì thật sự thèm được sống và hít thở cái bầu không khí rộn ràng nhộn nhịp của ngày giải.
Ở nhà thôi nhưng tôi vẫn biết chị Đại nhà tôi sẽ đội nón, nhét bộ đàm sau lưng không ngừng đi lui đi tới miệng nói tay chỉ … đôi khi là như hét trong bộ đàm. Còn caddy thì khỏi nói sẽ như chú ong vỡ tổ chạy loạn xạ nào là nhận túi, lên trực, đi ăn…mọi thứ sẽ rất vội vã để có thể chuẩn bị cho bản thân một cách nhanh nhất và tốt nhất. Nghĩ đến đây thôi là không ngậm được mồm.
Trong khung giờ phát trực tiếp thi đấu của giải tôi cố gắng không bỏ lỡ trận nào. Lần đầu tôi thấy sân mình lên hình đẹp đến thế. Những chị em của tôi ai náy đều xinh đẹp và chuyên nghiệp.
Tôi thấy chị Hà tôi dù mồ hôi nhễ nhãi nhưng vẫn nở nụ cười rất xinh đẹp. Nụ cười đánh tan cái nắng 39 độ.
Tôi thấy con bạn tôi mặt thì méo nhưng khi máy quay dí vào thì cười toe tét. Dù trời có nắng hay mưa.
Hay bà chị già nhà tôi vẫn hình ảnh đó hai tay hai túi gậy đi giữa rừng hoa mà y như hái hoa bắt bướm…..
Ôi những chị em của tôi, những đồng nghiệp của tôi thấy thương đến vô cùng.
Trở lại với trận đấu. Sự chuyên nghiệp của các anh là điều không cần bàn cải và tinh thần thể thao, văn hóa trong môn golf mà các anh đem lại là điều rất đáng quý.
Tôi thích cái đập tay đày đắc ý của Trương Chí Quân khi ghi được điểm birdie ở hố số 5 sau khi nghiên cứu rất kỉ với caddy.
Tôi thích nụ cười của anh Doãn Văn Định ảnh luôn nở nụ cười sau mỗi cú đánh giù đó là cú đánh tốt hay không tốt. Nụ cười của anh như tỏa nắng sau cơn mưa nặng hạt. Nhìn phong thái lạc quan và sự tự tin của anh mà nghĩ lại mấy gã đàn ông thô lỗ đánh độ sẵn sàng trút lên caddy những điều không tưởng, hay những ông mang tên họ ” Đỗ ” tên ” Thừa”.
Và thật ấm lòng khi thấy hành động tử tế của anh Lê Hữu Giang khi đề nghị anh được cào cát cho cú đánh vừa rồi của mình. Tôi biết đối với caddy chỉ cần đối sử với họ tử tế dù là một hành động nhỏ thôi cũng đủ làm họ cảm kích không nguôi.
Thật sự nhìn họ qua màn ảnh nhỏ nỗi nhớ nghề trong tôi trỗi dậy hơn bao giờ hết.
Tôi thích sải bước trên thảm cỏ xanh rì được hít khí trời trong lành vào buổi sáng. Tôi muốn được gió núi chạm khẽ qua má hay cả khi mùi mặn mặn ran rác của gió biển quật ngang. Tôi thích được chứng kiến những cú đánh bóng cao vút vụt qua như xé trời. Những pha cứu bóng đỉnh cao hay những cú eagle thần sầu. Thật sự thèm cái cảm giác được vui cùng vui với golfer hay cùng buồn, chia sẻ sự tiếc nuối cùng golfer của mình. Được cống hiến hết mình vì cuộc chơi.
Mùa giải đã qua đi nhưng những gì để lại sẽ không bao giờ quên. Chúc mừng mùa giải lexus challenge 2019 thành công. Các bạn của tôi mọi người đã vất vã nhiều rồi. Chúc mọi người sức khỏe. Yêu thương”
*Bùi Thị Mai_ khi golfer cũng là caddie
“Câu chuyện của tôi là vào 1 ngày đẹp trời các bạn của tôi đã book sân để trải nghiệm cảm giác của 1 golfer. Thời tiết của sân Yên Dũng đã ủng hộ cho chúng tôi có 1 ngày trải nghiệm ý nghĩa. Nhìn qua khung của sổ của kiot hố 6 như 1 bức tranh tuyệt đẹp. Tôi yêu Yên Dũng, yêu cái nghề mưa nắng dãi dầm và cám ơn những golfer đã yêu quý caddie như những người bạn trên đường golf để cùng nhau có 1 trận golf vui vẻ.”
* PHÍA SAU TỜ 500.000
“Caddie giống như những ngọn cỏ fairway xanh tốt. Nắng. Mưa. Những gót giày đắt tiền. Vẫn không thể làm đổi thay màu xanh dịu mát ấy”.
Một người Thầy trong nghề đã nói với tôi như vậy khi tôi quyết định thôi việc sau hơn 1 năm gắn bó. 1 năm. So với nhiều anh chị em caddie kinh nghiệm gần như cả quãng đời thanh xuân, tôi hiểu, khoảng thời gian
hơn 365 ngày chưa có gì gọi là dài. Nếm trải nghiệm chưa đủ. Hy sinh chưa đủ. Nên như một lẽ hiển nhiên, hào quang của nghề vẫn chưa đến với tôi. 1 năm. Từ một cô gái vừa tổt nghiệp sư phạm mầm non, tôi chỉ mường tượng giản đơn rằng “caddie là đi lượm bóng”, tôi cố gắng học hỏi và làm quen với nghề.
Thế rồi, tôi không còn sợ câu hỏi “Em giỏi line không bé?” từ một khách đánh độ lớn. Tôi cũng dần nguội lạnh với những lời dịu ngọt “Em về làm thư ký cho anh nhé. Anh lo hết”. 1 năm. Màu da đen sạm dần trở nên quen thuộc khi tôi gặp lại bạn bè thân thiết. “Mày lượm banh mà đen ghê vậy?”.
Chung quy, những ngày đồng hành theo chân khách đã dạy tôi nhiều thứ. Nếu phải bỏ tiền để tham gia các khóa học giao tiếp, quản trị cảm xúc, tiết chế bản thân, …tôi chọn làm caddie để trưởng thành hơn mỗi ngày. Vừa làm việc, học tập, vừa rèn luyện sức khỏe.
Trở lại với câu chuyện 500.000
Khi nhận được “tiền tip” từ khách hàng, cụ thể là 1 tờ 500.000 mới tinh không nếp gấp, bạn sẽ cảm thấy như thế nào: rất vui, rất hưng phấn; vui và hưng phấn hay cười đến rơi nước mắt? Có thể nói, câu chuyện kiếm tiền không bao giờ là đơn giản, đặc biệt là đối với nghề caddie. Khách hàng trong ngành golf thường là những khách thượng lưu, thừa sự giàu sang, cao quý và cũng thừa sự khó tính, khắc khe. Họ có thể lớn tiếng, nặng lời; họ có thể thốt ra vài ba từ khiếm nhã khi cú đánh không như mong muốn. Họ có thể ném gậy hay đạp gãy putter, họ có thể quát vào mặt bạn hay nói những lời không hay ý không đẹp về bạn. Và cuối vòng golf, họ gửi bạn tờ 500.000. Tôi đã từng trải qua không ít lần cầm tờ 500.000 trên tay mà không nói được lời nào ngoài những tiếng cảm ơn thỏ thẻ đến nghẹn ngào. Buồn, chua xót, chán nản và bất lực. Sẽ thật ấm áp nếu họ thì thầm lời xin lỗi vào tai bạn, rằng “Hôm nay anh cáu quá, em đừng buồn anh nha” hay “Anh đánh bể là anh nóng tính lắm, chứ anh không có ý gì đâu.”.
Nhưng được bao nhiêu lần bạn được sưởi ấm bằng những câu nói chân thành như thế? Đó là thực trạng và cũng là khó khăn mà phần lớn anh chị em caddie phải làm quen và học cách nỉm cười trọng mọi tình huống.
Nụ cười trong lúc bạn vui sẽ không giá trị bằng nụ cười tự động viên khi bạn thấy bản thân bất lực. Cuộc sống là vậy, tôi và bạn hay bất kỳ ai cũng đều mong những tháng ngày bình yên, không phiền muộn. Và khóc hay cười là vấn đề nằm ở sự lựa chọn mà thôi. Tôi chọn cười tươi trong mọi hoàn cảnh bởi khi tôi khóc, tôi không còn xinh đẹp và mạnh mẽ. Còn bạn, khi sự nghẹn ngào đang chực dâng thành tiếng khóc,bạn sẽ cuối đầu cho nước mắt rơi hay ngẩng cao đầu mỉm cười cổ vũ bản thân?
500.000 là khoản phí cho sự cam chịu nếu bạn cảm thấy mình nhẫn nhịn quá nhiều. 500.000 là lời cảm ơn thiết thực khi bạn đã tận tâm và hết mình vì khách hàng. 500.000 là sự khích lệ cho những giọt mồ hôi mà bạn đã rơi sau từng cú đánh. Hay 500.000 chỉ là khởi đầu cho những tờ 500.000 khác trong tương lai? Ý nghĩa của tờ 500.000 hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm và cái tình mà bạn dành cho sân golf. Bao giờ cỏ fairway còn xanh thì khi đó, người caddie vẫn âm thầm trao gửi yêu thương cho nghề theo những sải chân đều bước và những nụ cười tươi đầy năng lượng. Cũng vì nghiện màu xanh bình yên ấy,tôi vẫn ngày ngày ra sân và rèn luyện chính mình. Làm caddie không hề khó, nhưng làm một caddie giỏi thì thật sự khó. Tôi vẫn đang vươn lên, theo cách của những ngọn cỏ fairway dịu mát nhưng căng tràn sức sống!
* Em xin gửi ảnh dự thi Caddy trong tôi với chủ đề “Nỗi đau nghề Caddy”
Trong thế giới giải trí của giới thượng lưu không chỉ có sự bóng bẩy hào nhoáng bên ngoài, mà song song với việc đấy còn có cả những nhọc nhằn và nước mắt của các nhân viên phục vụ các Golfer trên sân, hay còn được gọi với cái tên chuyên nghiệp hơn là “Caddie”
Làm nghề caddie không phải chỉ việc kéo túi gậy cho khách chơi gol , mà còn phải làm vô số những việc không tên cho khách hàng. Có thể nói trên sân gofl, caddie và khách chơi golf như hai thái cực chủ tớ.
CV nghe thì tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại không ít khó khăn, có những hôm phải kéo cả túi gậy nặng hơn 10kg đi hết 1 vòng 18 hố, những hôm trời nắng hơn 40 độ vẫn phải đứng che ô cho khách chơi golf, những hôm trời mưa to thì phải mặc áo mưa chạy quanh sân, vạch từng lùm cây, bụi cỏ tìm bóng cho khách.
Nghề caddie không nặng nhọc như nghề phụ hồ hay xây dựng, nhưng lại nặng về tinh thần, về sức khỏe, về đôi chân đi không biết mệt mỏi nhưng vẫn luôn mỉm cười và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mệt mỏi có, ấm ức có, gặp được KH vui vẻ dễ tính thì không sao,nhưng chẳng may gặp phải những KH khó tính, khắt khe, nặng lời với mình nhưng vẫn phải nhẫn nhịn, quả thật là chua xót.
Nghề nào cũng có 2 mặt của nó, từ khi bén duyên với nghề caddie, mình có được thu nhập khá ổn định. Chấp nhận tiếp tục với nghề là chấp nhận phải vượt qua được những “Nỗi đau của nghề mang lại”
Cảm ơn GolfGroup đã tổ chức một cuộc thi vô cùng ý nghĩa dành cho toàn thể anh chị em caddie trên toàn quốc. Phạm Mai Hương.
Còn nhiều lắm những câu chuyện về nghề, còn nhiều lắm những tâm sự mà nếu bạn muốn thấu hiểu sẻ chia với các Caddy. Hãy cùng đồng hành ủng hộ cuộc thi ảnh và theo dõi những thí sinh, để thấy cho dù có những ngày sân golf không có nắng, nụ cười của caddie họ vẫn luôn tỏa sáng cả một vùng cỏ non xanh ngát! Chúc cho họ có thêm nghị lực và đam mê với nghề.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!