Tin tức

Tâm sự cay đắng của cô gái làm nghề Caddy

Trong thế giới giải trí của giới thượng lưu không chỉ có những bóng bẩy hào nhoáng, mà còn cả những nhọc nhằn và nước mắt của các cô gái caddy.

Học hết cấp ba nhưng thi trượt đại học, trong thời gian ở nhà định ôn thi lại thì Loan, 18 tuổi, ở Chí Linh, Hải Dương tình cờ trông thấy tờ rơi tuyển nhân viên kéo bao gậy cho sân golf ở gần nhà. Mức thu nhập được rao là khoảng 4-6 triệu đồng/tháng đã thu hút nhiều cô gái trẻ đến thử sức công việc này.

Vốn có ngoại hình, lại có sự tự tin và biết ăn nói, có sức khoẻ của một cô gái đang tràn đầy sức xuân, Loan đã vượt qua vòng sơ tuyển dễ dàng. Nhưng sau khi qua vòng sơ tuyển này, Loan và nhiều cô gái khác cũng chưa được ra sân golf  làm việc ngay. Các cô còn phải trải qua một khoá huấn luyện với rất nhiều bài học vỡ lòng.

Trước tiên là bài học nhổ cỏ ở sân golf. Loan phải học cách phân biệt cỏ nhân tạo và cỏ tự nhiên để nhổ đi. Rồi cô phải học địa hình sân golf, đoán hướng gió, nhìn hướng bóng để chỉ cho khách chơi golf, và không ngừng trau dồi ngoại ngữ để có thể giao tiếp được với khách nước ngoài. Loan chia sẻ: “Cứ tưởng caddy chỉ là làm việc kéo bao gậy cho khách mà thực tế không phải, em còn phải học các luật chơi golf vô cùng rắc rối để có thể hướng dẫn cho khách không biết chơi nữa”.

Ngoài ra, điều kiện cần để có thế làm caddy là các cô buộc phải có một sức khoẻ dẻo dai vì mỗi ngày phải đi vòng quanh 27 lỗ golf, có khi vào giữa trưa nắng gắt như đổ lửa, hay giữa cái lạnh buốt da thịt.

Loan kể: “Lúc đầu mới đi được 5 lỗ golf, chân em mỏi rũ nhưng vẫn phải cố gắng bám theo sau lưng người quản lý để học việc. Chỉ cần đi chậm một tý là sẽ bị nhắc nhở ngay. Em cứ vừa đi vừa chạy, thở hổn hển. Tối về, không chỉ chân mà cả người mệt mỏi, đau nhức rã rời. Phải đến hai tuần em mới dần thích nghi nhưng vẫn còn thấy đau nhức”.

Ngoài việc rèn luyện đi bộ, rồi học địa hình sân, học đủ thứ luật golf rắc rối, cô còn phải học thêm tiếng Anh. Học theo kiểu học vẹt với cô cũng là một khó khăn, nhưng cô phải cố gắng, nếu không sẽ trượt trong các buổi kiểm tra và sẽ bị loại.

Sau những phần học lý thuyết, cô cũng được ra sân thực hành. Loan nhớ lại: “Ngày đầu ra sân tập luyện với người huấn luyện, tay chân em lóng ngóng. Lấy gậy, kéo gậy, lau banh, đánh dấu banh, ngắm banh lúc được lúc không, rồi di chuyển loạn xạ, bị huấn luyện quát  ầm ĩ. Lần đầu phải kéo bao gậy nặng trịch phía sau lưng, em đi không vững, thậm chí còn hơi lảo đảo”. Phải mất đến mấy tuần, cô mới quen dần với việc kéo bao gậy nặng trịch đó, và đi vòng quanh 18 lỗ golf, tức là hơn chục cây số đi bộ.

Cô đã may mắn vượt qua khoá huấn luyện khó khăn, gian khổ để trở thành nhân viên caddy chính thức. Lúc đầu cô tưởng rằng trải qua kỳ huấn luyện gắt gao đó, cô đã đủ sức khoẻ, bản lĩnh và sự tự tin cũng như một chút hiểu biết về công việc để có thể bắt tay vào làm chính thức một cách suôn sẻ. Nhưng chính cô cũng không ngờ khi vào làm chính thức, cô mới thực sự trải qua những tình huống và tai nạn nghề nghiệp.

Hôm đó, đi hết vòng sân khách vào nhà hàng, cô kéo xe sang trạm chờ sân kế tiếp đợi sẵn. Trời nắng nóng, cô chỉ uống nước, không ăn thêm gì. Không ngờ ở sân golf kế tiếp, khách nổi hứng đi nguyên cả bốn vòng 36 lỗ, tức là cô cũng phải đi bộ theo sau hơn hai chục cây số. Bụng đói, trời lại nắng, cô rã rời, mặt mày sa sẩm, hoa mắt, cuối ngày tưởng chừng như bị xỉu. Từ sau lần đó cô rút kinh nghiệm, dù có không muốn ăn đi nữa thì đến lúc nghỉ chờ sân kế tiếp, cô vẫn cố gắng ăn thêm chút gì đó để có sức phục vụ khách.

caddies-tren-san-golf

Caddies là những người bạn đồng hành của Golfers

Làm nghề caddy không phải chỉ việc kéo bao gậy cho khách chơi golf , mà còn phải làm vô số những việc không tên cho khách hàng. Có thể nói trên sân gofl, caddy và khách chơi golf như hai thái cực chủ tớ.

Cô kể, trên sân golf, cô đã quen thuộc với những lời sai bảo như ra lệnh của khách hàng, nào là nhặt cái này, lấy cái kia. Và caddy phải phục tùng những lời sai bảo đó. Nếu gặp được khách nào hào phóng, thoải mái thì họ bo thêm. Nhưng không may gặp phải khách hàng khó tính, nếu mình làm gì họ thấy phật ý, họ sẽ phàn nàn lên người quản lý thì sẽ bị khiển trách, thậm chí bị trừ tiền lương.

Đã có lần khi mới ra sân, cô đã gặp ngay phải một ông khách chơi dở. Ông ta chơi không hay nhưng lại vô lý đổ lỗi cho cô, rằng vì cô không hợp với tuổi nên khiến ông ta không đánh được banh. Ông ta chê cô với người quản lý và yêu cầu thay người. Mặc dù thấy ông khách thật vô lý nhưng cô cũng chẳng còn cách nào, đành phải ngậm ngùi rời sân.

Nhưng cô cho biết đó vẫn chỉ là tình huống nhẹ nhàng. Bởi đã có lần khi ra sân, cô phục vụ một khách hàng đánh độ bị thua. Hôm đó, ông ta cay cú, bực mình và trút cả cơn tức giận của mình vào cô.

Cô cười buồn: “Làm nghề này chẳng khác gì làm đầy tớ cho khách vậy. Khách ung dung, nhàn tản thì mình tất bật với túi gậy, đồ ăn, đồ uống chạy theo sau. Dù khách có vô lý quát mắng cũng phải nhẫn nhục chịu đựng”.

Những bộ gậy của khách chơi golf trị giá hàng nghìn USD. Caddy phải đặc biệt giữ gìn, bảo quản, bởi không may làm xước, sứt mẻ hoặc lấy gậy của khách ra đánh thử thì sẽ bị đuổi việc vĩnh viễn. Đã có lần cô rơi vào tình huống đứng tim khi làm mất gậy lùa banh của khách. Hôm đó vừa sợ vừa lo, cô chạy khắp nơi, gặp ai cũng hỏi. Cô đi hết các lỗ golf mấy tiếng liền mà không tìm thấy. Cuối cùng, cô đành mua đền cho khách.

Những người khách vào chơi golf thường thuộc tầng lớp thượng lưu, đều là những người giàu có lắm tiền và cũng lắm tật. Đã có nhiều trường hợp những cô gái làm nghề caddy có ngoại hình khá lọt vào tầm ngắm của họ. Nhưng đa phần với khách chơi golf, họ chỉ coi caddy là những của lạ để mua vui. Loan đã được nghe các chị đi trước kể về những tình huống gạ tình của nhiều khách chơi golf, và nhiều cô gái caddy nhẹ dạ, hám lợi đã bị lợi dụng. Vì thế cô đã rất cảnh giác, luôn ăn mặc kín đáo, và giữ khoảng cách với khách, chỉ thực hiện đúng phận sự công việc của mình.

Nhưng là một cô gái xinh đẹp, biết ăn nói, cô đã lọt vào mắt một ông khách. Ông khách này mỗi lần đến chơi đều gọi cô phục vụ và sau đó đều bo khá hậu hĩnh. Thậm chí có nhiều lần đến chơi, ông còn tặng cô những món quà đắt tiền nhưng cô đều từ chối và giữ khoảng cách nhất định với ông ta.

Có lần đang hì hục kéo bao gậy, ông khách bất ngờ đi đằng sau cô từ bao giờ, vỗ vào mông cô làm cô ngượng chín mặt và cả tức giận mà không biết phải làm sao. Thậm chí khi vào sân, ông khách đó còn trơ trẽn gạ gẫm cô rằng nếu chịu đi khách sạn với ông ấy thì ông sẽ cho cô 5 triệu đồng.

Nghe lời gạ gẫm trơ trẽn đó, cô đã đáp trả bằng sự cương quyết và bản lĩnh rằng cô đến sân golf làm caddy, ngoài ra không làm gì khác và bỏ đi trong sự chưng hửng của ông khách. Cũng may cô gặp được người quản lý tâm lý nên sau lần đó nghe cô tâm sự, chị quản lý đã thông cảm và tạo điều kiện để cô không phải phục vụ ông khách đó nữa.

Cô nói: “Những khách chơi golf giàu có, lắm tiền thật nhưng mình không thể vì đồng tiền mà mê muội, đánh mất mình”. Tuy nhiên, bên cạnh những cô gái bản lĩnh như Loan, vẫn còn có nhiều cô gái nhẹ dạ, ham giàu đã bị khách lừa, cuối cùng phải chuốc lấy tủi nhục vào mình.

Đã gắn bó với nghề caddy gần một năm, đã quen việc và công việc này cũng đem lại cho cô đồng lương ổn định nhưng khi đựơc hỏi có định gắn bó với nghề này không, Loan nói: “Em chỉ làm thêm một thời gian nữa để tích luỹ đủ tiền đi học lại. Qua một thời gian làm, em thực sự nhận thấy em cần ôn thi đại học tiếp để tìm được công việc khác tốt hơn. Dù công việc này cũng là lao động chân chính nhưng em vẫn muốn đi học để có công việc được mọi người trân trọng hơn bởi trên thế giới sân golf, caddy và người chơi như hai thế giới đối lập chủ tớ”.

Theo Người Đưa Tin

Xem thêm:

Ngày đăng 9:24 - 04/07/2018 - Cập nhật lúc: 10:45 sáng

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *